Các tỉnh miền Bắc đang bước vào mùa đông, thời tiết thuận lợi cho virus cúm phát triển, lây lan. Vì thế số trường hợp mắc cúm có xu hướng gia tăng. Nhiều người đổ xô đi mua Tamiflu khiến giá loại thuốc kháng virus này bị đội lên rất nhiều lần.
Tại nhiều nhà thuốc ở Hà Nội, giá một viên thuốc Tamiflu hiện là 150.000 đồng/viên, thậm chí có nơi bán 200.000 đồng/viên. Như vậy một hộp thuốc (gồm một vỉ 10 viên) có giá 1,5-2 triệu đồng.
Trong khi đó, theo bảng giá kê khai tại cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), giá thuốc Tamiflu 75mg có giá gần 45.000 đồng/viên, chỉ khoảng 450.000 đồng/vỉ 10 viên.
“Theo thói quen dùng thuốc tràn lan, cứ khi có dịch cúm người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu. Điều này là không cần thiết. 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị”, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) nói.
Theo chuyên gia tại Việt Nam hiện nay thuốc Tamiflu được dự trù ở cấp quốc gia để điều trị cho những trường hợp cúm nặng, mắc cúm gia cầm A(H5N1) hay dự phòng trong trường hợp cúm A(H7N9) xâm nhập vào… Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống Tamiflu, bệnh sẽ tự khỏi.
“Dùng tràn lan thuốc kháng virus Tamiflu, nếu dẫn đến kháng thuốc sẽ vô cùng nguy hiểm”, TS Kính cảnh báo.
Theo ông, thay vì đợi khi có bệnh mới đi uống thuốc người dân có thể chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm văcxin cúm. Những trường hợp mắc cúm nhưng chỉ ho, chảy nước mũi, sốt nhẹ, chụp Xquang phổi không có tổn thương thì chỉ cần điều trị ngoại trú, nâng cao thể trạng để bệnh tự khỏi. Những người sốt cao liên tục, kéo dài, phổi tổn thương… cần nhập viện điều trị, tránh những biến chứng đáng tiếc.
Những trường hợp cúm nặng sẽ được cách ly, vì bệnh lây qua đường hô hấp, chưa có miễn dịch cộng đồng. Ngoài thuốc Tamiflu bác sĩ sẽ dùng nhiều loại thuốc khác để phối hợp điều trị.
Cúm là bệnh cảnh thông thường, nhiều người mắc. Bệnh hiện thường là hắt hơi, sổ mũi, ho khan, đau họng, đau mỏi người, nếu không có bội nhiễm và biến chứng bất thường thì bệnh có thể khỏi sau vài ngày. Đa phần người bệnh mắc cúm ở thể nhẹ, không cần đến bệnh viện.
Tuy nhiên, cúm về mùa đông thường diễn biến nặng hơn. Vì thế người dân không nên chủ quan.
Một số nhóm nguy cơ cao khi mắc cúm dễ trở nặng như: người già, trẻ nhỏ, thai phụ, người mắc bệnh mạn tính… Ngoài ra, những người bị cúm nhưng có dấu hiệu nặng lên như viêm phổi, suy hô hấp, sốt quá cao… thì cũng cần phải lưu ý.
Cúm do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng (hạ sốt, giảm ho, hắt hơi…). Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh vì không hề có tác dụng, người lại càng mệt mỏi hơn.
Để phòng bệnh cúm, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh…
Khi chưa mắc bệnh thì cần tránh tiếp xúc gần với người mắc cúm, hạn chế thời gian ở nơi đông người, tránh đưa tay lên mũi và miệng.
Trong trường hợp mắc cúm hay có biểu hiện hội chứng cúm thì nên ở nhà, nghỉ làm, nghỉ học, tránh tiếp xúc chỗ đông người. Virus cúm có thể lây lan qua hắt hơi, ho khạc do đó người bệnh nên đeo khẩu trang hoặc che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi để hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng.
Để phòng chống dịch cúm cúm gia cầm, người dân không giết, mổ gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. Không ăn thịt gia cầm chưa được chế biến kỹ.