Xét nghiệm HbA1c có cần nhịn ăn? Những điều cần biết

Xét nghiệm HbA1c có cần nhịn ăn? Những điều cần biết

Khi đi xét nghiệm chuyên sâu về tiểu đường chắc hẳn chúng ta sẽ được bác sĩ tư vấn, giải thích cho một số xét nghiệm như xét nghiệm glucose máu, nghiệm pháp glucose hay xét nghiệm HbA1c. Nếu không phải người trong ngành thì chắc hẳn bạn sẽ thấy hoang mang không biết xét nghiệm nào mới có giá trị chẩn đoán chính xác. Hơn thế nữa nghe đồn rằng xét nghiệm đái tháo đường thì phải nhịn ăn sáng. Vậy xét nghiệm HbA1c có cần nhịn ăn hay không? Hãy đi tìm tất cả câu trả lời cho các vấn đề trên trong bài viết dưới đây:

Xét nghiệm HbA1c là xét nghiệm gì?

HbA1c là tên gọi của một loại hemoglobin đặc biệt, gồm sự kết hợp của hemoglobin cùng với phân tử glucose. Có thể nói nó đại diện cho sự gắn kết của đường trên Hb hồng cầu. Bởi vậy mà phân tử này không chỉ có chức năng vận chuyển oxy như những Hb bình thường mà còn vận chuyển cả đường đi nuôi cơ thể. Sự hình thành HbA1c xảy ra chậm 0.05% trong ngày và tồn tại suốt trong đời sống của hồng cầu 120 ngày, thay đổi sớm nhất trong vòng 4 tuần lễ. Tóm lại xét nghiệm HbA1c có tác dụng kiểm tra lượng đường trong máu của cơ thể trong vòng 3 tháng.

Ở người bình thường chỉ số HbA1c dao động từ 4-6% trong tổng số Hb. Người ta dùng nó để chẩn đoán chính xác bệnh tiểu đường và theo dõi quá trình điều trị có kiểm soát tốt chỉ số đường máu hay không.

HbA1c là tế bào hồng cầu kết hợp với phân tử đường
HbA1c là tế bào hồng cầu kết hợp với phân tử đường

Khi nào bạn nên đi làm xét nghiệm HbA1c

Như đã nói thì mục đích của xét nghiệm HbA1c đó là chẩn đoán, sàng lọc bệnh lý đái tháo đường. Vì thế chúng ta có thể thực hiện trong các đợt kiểm tra sức khỏe định kì hoặc khi có các dấu hiệu bị đái tháo đường, tiền đái tháo đường đó là:

  • Đi tiểu nhiều lần, nhất là tiểu về đêm. Nước tiểu có kiến bu, nhiều bọt.
  • Khát nước.
  • Ăn nhiều, thích đồ ngọt
  • Sụt cân
  • Mệt mỏi
  • Các vết nhiễm trùng lâu lành da…

Ngoài ra xét nghiệm HbA1c cũng được các chuyên gia khuyên nên định kì thực hiện 3 tháng/ lần cho bệnh nhân đã bị đái tháo đường nhằm mục đích theo dõi hiệu quả trong quá trình điều trị.

Xét nghiệm HbA1c có cần nhịn ăn không

Kết quả của xét nghiệm HbA1c không phản ánh đường huyết tăng hay giảm tại thời điểm tiến hành xét nghiệm, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như ăn uống, sử dụng thuốc. Nó không phản ánh khả năng kiểm soát đường huyết trong vòng 3-4 tuần trước đó là mà 3 tháng trước đó. Xét nghiệm HbA1c có cần nhịn ăn không thì câu trả lời là KHÔNG.

Quy trình xét nghiệm HbA1c sẽ được thực hiện như sau:

  • Người được lấy máu sẽ bộc lộ vị trí lấy máu. Kỹ thuật viên, điều dưỡng sẽ lựa chọn vị trí ven dễ lấy nhất. Thường là ở mu bàn tay hoặc mặt trong khuỷu tay.
  • Viết các thông tin cần thiết của người bệnh lên trên tem dán của ống xét nghiệm về HbA1c.
  • Chuẩn bị các dụng cụ lấy máu cần thiết: bơm 5ml, kim lấy máu, ống xét nghiệm, garo, găng tay, bông có cồn…
  • Điều dưỡng sát trùng tay, đeo găng tay.
  • Garo trước vị trí lấy máu. Tiến hành sát trùng vị trí lấy máu theo đúng kĩ thuật.
  • Lấy máu đủ định lượng.
  • Cởi dây garo, thu kim lại.
  • Giữ bông vào vị trí vừa rút kim.
  • Mở nắp ống nghiệm, cho máu vào ống đúng kĩ thuật.
Xét nghiệm HbA1c không cần nhịn ăn sáng
Xét nghiệm HbA1c không cần nhịn ăn sáng

Phân biệt xét nghiệm HbA1c với xét nghiệm glucose máu

Ở đây chúng ta sẽ phân biệt xét nghệm HbA1c và xét nghiệm glucose máu lúc đói:

Về ưu điểm:

Xét nghiệm HbA1c:

  • Người bệnh có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào trong ngày mà không cần nhịn ăn, rất thuận tiện.
  • Một mẫu thử duy nhất.
  • Mẫu thử này có tính ổn định cao trong thời gian bảo quản.
  • Kết quả sẽ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như vận động, stress…
  • Xét nghiệm được chuẩn hóa cho mọi dụng cụ.
  • Phản ánh lượng đường trong máu trong một thời gian dài (từ 2-3 tháng).
  • Kết quả có thể dự báo được tiến triển cả các biến chứng vi mạch trong bệnh tiểu đường.
  • Mục đích để theo dõi, kiểm soát lượng đường trong máu và hướng dẫn điều trị bệnh tiểu đường.

Xét nghiệm glucose máu lúc đói:

  • Kinh phí thấp
  • Mẫu thử chỉ lấy một lần duy nhất
  • Dễ dàng tự động hóa
  • Ứng dụng được rộng rãi.

Về nhược điểm

Xét nghiệm HbA1c

  • Kết quả này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như chủng tộc, tuổi thọ hồng cầu…
  • Một số bệnh sắc tố và bệnh về máu cũng làm chênh lệch kết quả đo lường chỉ số HbA1c.
  • Không phải cơ sở y tế nào cũng đủ điều kiện để thực hiện.
  • Chi phí xét nghiệm cao.

Xét nghiệm Glucose lúc đói

  • Người bệnh cần phải nhịn ăn 8 tiếng trước khi thực hiện xét nghiệm mới cho kết quả chính xác.
  • Mãu thử này có nguy cơ sai số do kém ổn định.
  • Độ biến thiên sinh học lớn
  • Kết quả về nồng độ glucose trong máu thay đổi trong ngày và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như tinh thần hoặc các bệnh cấp tính.
  • Nồng độ đường trong máu cũng thay đổi theo vị trí lấy mẫu thử như máu tĩnh mạch, động mạch hay mao mạch. Thường thì sẽ lựa chọn lấy máu tĩnh mạch.
  • Nó không liên quan mật thiết với các biến chứng do tiểu đường gây ra.
Lấy máu làm xét nghiệm
Lấy máu làm xét nghiệm

Cách đọc kết quả xét nghiệm

Để có chẩn đoán chính xác về bệnh tiểu đường thì cần phải được xác nhận bằng cách tiến hành lặp lại các kiểm tra về lượng đường trong máu hoặc tiến hành một xét nghiệm khác vào một ngày khác. Cách đọc kết quả HbA1c là:

  • HbA1c < 5,7%: Bình thường.
  • 5,7% < HbA1c < 6,4%: Tiền đái tháo đường.
  • HbA1c > 6,5%: Đái tháo đường.

Người bình thường tốt nhất nên cố gắng kiểm soát chỉ số HbA1c ở mức dưới 5,7%. Còn đối với người bị đái tháo đường chỉ số này được khuyên rằng nên cụ thể hóa cá nhân. Người bị tiểu đường không kèm theo các bệnh lý nên khác thì nên duy trì HbA1c dưới 7%. Người tiểu đường nhưng cao tuổi, có bệnh lý nền, nhiều biến chứng, nguy cơ hạ đường huyết nhiều mục tiêu về chỉ số HbA1c sẽ cao hơn.

Xét nghiệm HbA1c có cần nhịn ăn không đã được nói rất rõ trong bài viết trên. Việc tìm hiểu kĩ hơn về các xét nghiệm chuyên sâu nói riêng và các kiến thức y học nói chung sẽ có ích rất nhiều trong việc chăm sóc sức khỏe cho bạn cùng người thân.