Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nội soi đường tiêu hóa trên là một trong những nội dung được trình bày tại Hội nghị Tiêu Hóa Gan Mật Quốc tế diễn ra tại Hà Nội ngày 13/10 do Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức.
Nhóm nghiên cứu gồm Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Nghiên cứu MICA – Đại học Bách khoa Hà Nội…
Thay mặt nhóm nghiên cứu, bác sĩ Đào Việt Hằng, Đại học Y Hà Nội cho biết trong y học, AI được ứng đụng để hỗ trợ hội chẩn, đưa ra báo cáo tự động, đưa ra chẩn đoán thích hợp từ dữ liệu lâm sàng, phát hiện tổn thương bất thường tự động.
Trên thế giới hiện có nhiều nghiên cứu về ứng dụng AI trong ứng dụng nội soi tiêu hoá và gan mật. Chẳng hạn trong phát hiện polyp đại tràng, AI có thể hỗ trợ phát hiện những polyp rất nhỏ mà bác sĩ có thể bỏ sót trong quá trình nội soi, nhờ đó tránh bỏ sót tổn thương.
Lĩnh vực ung thư dạ dày cũng có nhiều ứng dụng AI. Một nghiên cứu rất lớn tại Mỹ đã sử dụng 13.584 ảnh tĩnh của bệnh nhân ung thư dạ dày để xây dựng thuật toán. Khi ứng dụng thuật toán này vào bộ dữ liệu kiểm chứng cho thấy chỉ có 6 ca bỏ sót tổn thương. 6 ca này rơi vào các trường hợp tổn thương rất nhỏ hoặc tổn thương ở vị trí rất khó quan sát.
Các nghiên cứu về AI trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa hầu hết đã qua các bước liên quan đến việc thu thập tài liệu, đánh nhãn, đào tạo cho máy, xây dựng thuật toán. Vấn đề khó khăn nhất ứng dụng vào thực tế lâm sàng.
Theo bác sĩ Hằng, tại Việt Nam hướng phát triển này cũng là nhu cầu tất yếu. Nước ta có dân số đông, gánh nặng bệnh tật tiêu hóa nhiều. Trong khi đó, số lượng bác sĩ nội soi mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của 10% dân số. Tại các đơn vị nội soi lớn hằng ngày các bác sĩ nội soi đang gánh trên vai khối lượng công việc khổng lồ. Có đơn vị mỗi ngày thực hiện hơn 400 ca nội soi.
Thách thức đặt ra chính là nguy cơ của việc bỏ sót tổn thương, chất lượng không đảm bảo và nguy cơ nhiễm khuẩn cho người bệnh.
Vì thế, nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng mô hình nghiên cứu AI với các tổn thương trong dạ dày. Nhóm thu thập dữ liệu gồm đánh dấu về vị trí, số lượng, phân loại hình ảnh (bình thường, tổn thương) trong một số bệnh lý như loét dạ dày, ung thư, tiền ung thư… Từ dữ liệu thô này nhóm xây dựng thuật toán, từ đó so sánh kết quả phát hiện vùng tổn thương giữa kỹ thuật AI và chuyên gia.
Kết quả bước đầu dựa trên đánh giá 2.392 ảnh cho thấy khả năng sai sót trong phân loại tổn thương thấp. Đồng thời cũng giúp giảm thời gian đưa ra nhận định. Ví dụ với một bác sĩ có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên thời gian đưa ra nhận định là khoảng 13 phút thì với sự hỗ trợ của công nghệ AI chỉ còn mất 3 phút, bác sĩ Hằng cho biết.
Dù vậy đại diện nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận số lượng hình ảnh tổn thương thu thập còn hạn chế nên kết luận này cũng chỉ là bước đầu.
Trong thời gian tới nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu, hoàn thiện thuật toán khoanh vùng, dự đoán tổn thương, từ đó đưa vào ứng dụng lâm sàng. Mục tiêu nhằm giảm thiểu sai sót, đặc biệt trong việc phát hiện tổn thương, hỗ trợ công tác đào tạo.
“Trí tuệ nhân tạo AI không bao giờ thay thế được bác sĩ nội soi nhưng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công việc của bác sĩ nội soi. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi là xu thế mới và xu thế tất yếu. Với Việt Nam, AI giúp nâng cao tỷ lệ phát hiện tổn thương, tiết kiệm nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo”, bác sĩ Hằng nhấn mạnh.
Hội nghị Tiêu Hóa Gan Mật Quốc có sự tham gia của gần 500 bác sỹ, nhân viên y tế hoạt động trong lĩnh vực tiêu hóa gan mật trên toàn quốc và các chuyên gia hàng đầu đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông. Các chuyên gia đã chia sẻ công nghệ mới trong nội soi đường tiêu hóa, vấn đề kháng kháng sinh trong điều trị HP, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi tiêu hóa…